4 Bui Van Hoa

4 Bui Van Hoa



1 Page 1

▲back to top


ĐỒNG CHÍ BÙI VĂN HÒA (1940 – 1970)1
Anh hùng liệt sĩ Bùi Văn Hòa2 sinh năm 1940 có tên khai sinh là Bùi Văn
Đực, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Nhị Bình, quận Châu Thành (tỉnh Tiền
Giang), sớm mồ côi mẹ nên Đực phải đi giữ trâu muớn từ thuở 15 tuổi. Năm 1961,
khi 21 tuổi, Bùi Văn Đực đầu quân vào bộ đội miền Đông, đổi tên thành Bùi Văn
Hòa, lúc đầu ở đơn vị U50, Hậu cần Miền, sau được điều lên đơn vị chiến đấu, ở
đơn vị chốt 2 (đại đội 2) đặc công do đồng chí Nguyễn Tấn Vàng chỉ huy. Tại
đây, ông được huấn luyện kỹ thuật đặc công.
Có một thân hình cao lớn, rắn chắc, sức lực dẻo dai, tính tình vui vẻ, sống
chan hòa, đoàn kết yêu thương đồng đội; Bùi Văn Hòa còn là người hăng hái,
dũng cảm, gan dạ phi thường không nề hà khó khăn, nguy hiểm, nhiệm vụ nào
cũng quyết tâm hoàn thành.
Bùi Văn Hòa nhanh chóng được chọn vào Đội trinh sát đặc công Biên Hòa.
Ngay từ đầu năm 1966, sau khi Mỹ vừa xây dựng xong Tổng kho liên hợp quân
sự Long Bình “bất khả xâm phạm”, Bùi Văn Hòa là một trong những chiến sĩ đặc
1 Huỳnh Văn Tới - Nguyễn Minh Hùng (chủ biên), Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Hà Thị Thanh Thuý,
Đặng Thị Xuân Thắm, Phan Hoàng Oanh (2019), Sáng ngời chất ngọc anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang
nhân dân tỉnh Đồng Nai, tập I, Nxb. Đồng Nai, tr. 576-579.
2 Nguồn: website Thư viện tỉnh Đồng Nai (http://wwwThuviendongnai.gov.vn/).

2 Page 2

▲back to top


công đầu tiên nhận lệnh của Tỉnh đội trưởng Trần Công An đột nhập vào để trinh
sát. Bùi Văn Hòa đã khôn khéo, gan dạ vượt qua nhiều lớp hàng rào, bãi mìn và
cả một hệ thống tuần tra rất hiện đại của quân đội Mỹ, tự tay gỡ từng loại nhãn
hiệu, mã số của các loại vũ khí chứa ở từng kho đạn mang về báo cáo cho Tỉnh
đội trưởng Hai Cà.
Liên tiếp trong nhiều trận đánh vào căn cứ Long Bình, Bùi Văn Hòa đều là
một trong những mũi nhọn chủ công. Đặc biệt Bùi Văn Hòa là luôn sáng tạo, ứng
biến kịp thời trong những tình huống phức tạp khác nhau, trong đó có việc kịp
thời đề xuất phương án luồn ra phía sau lưng địch, đặt mìn xen kẽ giữa các kho
để hình thành thế nổ dây chuyền tạo hiệu quả lớn...
Ông đã tham gia chiến đấu nhiều trận, lập được nhiều chiến công. Đặc biệt,
trong đội hình đặc công, ông đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia 3 trận đánh lập
chiến công lớn:
Ngày 16/6/1966, nghiệp đoàn Nhà máy giấy Cogido đã lãnh đạo toàn thể 700
công nhân đình công chiếm xưởng. Chủ Nhà máy Cogido cùng Tỉnh trưởng tỉnh
Biên Hòa thuộc chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hai đến tận nơi điều đình, nhưng
thất bại. Ngay sau đó, Ty cảnh sát Biên Hòa đưa 2 đại đội cảnh sát dã chiến có xe
vòi rồng đi theo để đàn áp cuộc đấu tranh. Cuộc đình công kéo dài nhiều ngày.
Báo chí tiến bộ ở Sài Gòn đồng loạt đưa tin, gây tiếng vang lớn.
Để hỗ trợ phong trào đấu tranh của công nhân Biên Hòa, Tỉnh đội U1 quyết
định tấn công vào Tổng kho Long Bình. Đêm 22/6/1966, một tổ đặc công của đại
đội 2 thị xã Biên Hòa gồm 6 đồng chí: Nguyễn Tấn Vàng, Nguyễn Văn Thái,
Nguyễn Văn Hóa, Trịnh Văn Thoàn, Phạm Văn Hòa, Nguyễn Văn Rô. Trong đó,
đồng chí Nguyễn Tấn Vàng làm mũi trưởng, Nguyễn Văn Thái làm mũi phó. Tổ
chia làm 3 nhóm được Bùi Văn Hòa dẫn đường, từ bàn đạp Hưng Lộc đã bí mật
đã vượt qua 3 lớp hàng rào kẽm gai, đột nhập vào cao điểm 50, kho Long Bình. 8
quả mìn hẹn giờ được đặt vào 8 kho đạn pháo 105 ly gồm 8 cụm chứa các loại
đạn pháo, rốc-két, bom; hẹn 20 giờ cho điểm hỏa.
Đúng giờ, một tiếng nổ dậy đất vang lên, tiếp theo là nhiều loạt tiếng nổ lớn
liên tục làm rung chuyển cả thị xã Biên Hòa và đô thành Sài Gòn. Những cụm

3 Page 3

▲back to top


khói đen khổng lồ xen kẽ với những chùm lửa xanh đỏ bao phủ cả khu vực Long
Bình. Không một máy bay lên thẳng hay xe cứu hỏa nào dám đến cứu chữa. 8 kho
bom đạn của Mỹ bị nổ tung. 125 ngàn quả đạn pháo, rốc-két, bom bị phá hủy, 3
dãy nhà kho bị sạm, 250 tên Mỹ gác kho bị chết.
Ngay sáng sớm hôm sau, ngày 23/6/1966, đích thân Nguyễn Ngọc Loan,
Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia chế độ Sài Gòn cùng với Tỉnh trưởng Biên Hòa
phải đến Nhà máy Cogido để “dàn xếp” cuộc đấu tranh. Hầu hết yêu sách của
công nhân được giải quyết. Bộ Tư lệnh Miền ra quyết định tặng thưởng Huân
chương Quân công hạng Ba cho đại đội 2 đặc công U1. 4 chiến sĩ được thưởng
Huân chương Chiến công, trong đó có trinh sát đặc công Bùi Văn Hòa (khi ấy 26
tuổi).
Trận đánh đã gây chấn động dư luận trong nước và thế giới. Báo Nhân dân
số ra ngày 29/10/1966 đã ca ngợi chiến thắng Long Bình, cho đây là trận đánh táo
bạo, tài tình, đánh thẳng vào “dạ dày” của Mỹ. Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi.
Trận tiếp theo diễn ra vào đêm 17/11/1966, tổ đặc công gồm 6 chiến sĩ do
đồng chí Tư Già chỉ huy, trong đó có đồng chí Bùi Văn Hòa, đã vượt qua các hàng
rào kiên cố và các chốt gác của Mỹ lọt vào khu kho đồi 53.
Các chiến sĩ có sáng kiến cứ cách một kho đặt 1 quả mìn hẹn giờ. 4 quả mìn
hẹn giờ đã được đặt vào 4 dãy kho lớn nhất. Đúng 24 giờ, khu kho Long Bình lại
nổ đỏ trời. Toàn bộ khu kho đồi 53 bị sụp đổ. 154 ngàn quả đạn pháo 105 ly, 155
ly, 175 ly bị nổ tung, cả trung đội Mỹ bảo vệ tan xác.
Trận thứ ba diễn ra vào đêm 9 rạng sáng 10/12/1966, đồng chí Bùi Văn Hòa
lại tham gia đội hình đặc công U1, tấn công vào khu kho Long Bình. Quân ta phá
hủy 2 dãy nhà kho, làm nổ tung 74 ngàn 6 trăm quả đạn pháo của địch.
Năm 1969, Bùi Văn Hòa được đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn
miền Nam lần thứ nhất.
Một ngày mùa khô năm 1970, Bùi Văn Hòa được giao nhiệm vụ dẫn đường
cho đơn vị pháo 120 ly của Trung đoàn pháo binh 75 Biên Hòa tập kích vào Tổng
kho Long Bình. Tới trạm Cờ Đỏ, các đồng chí đã bị địch phục kích. Bùi Văn Hòa
và đồng đội hy sinh.

4 Page 4

▲back to top


Theo thống kê, trong khoảng thời gian Bùi Văn Hòa tham gia chiến đấu, ông
đã có 9 lần cùng đồng đội đánh vào căn cứ Tổng kho Long Bình. Bùi Văn Hòa và
lực lượng đặc công Biên Hòa đã phá hủyhơn 1,2 triệu quả bom, đạn các loại, 3.500
thùng thuốc nổ, 47 xe cơ giới, tiêu diệt 705 tên lính Mỹ và lính của quân đội Sài
Gòn. Với những chiến công và những cống hiến của ông cho cách mạng, ngày
10/2/19703, Bùi Văn Hòa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân.
Bùi Văn Hòa, liệt sĩ cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,
nguyên bộ đội đặc công Biên Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, người con đất
Đồng Nai đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhưng những chiến
công của ông, tinh thần chiến đấu bất diệt của ông đã để lại niềm tiếc thương vô
cùng đối với đồng đội, đồng bào, thế hệ trẻ tương lai luôn ghi nhớ công ơn của
ông và quyết tâm học tập noi gương ông, sống và chiến đấu xây dựng và bảo vệ
quê hương đất nước.
Sau năm 1975, tên Bùi Văn Hòa được đặt tên cho một con đường nối từ
đường Nguyễn Văn Trị với đường Cách mạng tháng Tám. Sau đó, năm 2007, theo
quy hoạch tên đường của thành phố Biên Hòa, UBND thành phố Biên Hòa đã
quyết định lấy tên Bùi Văn Hòa đặt tên cho một con đường thuộc Khu công nghiệp
Biên Hòa 2 (khu vực thuộc Tổng kho Long Bình trước đây, dài 5km, nối đường
Võ Nguyên Giáp với xa lộ Hà Nội), nơi in đậm dấu ấn chiến công năm xưa của
anh hùng liệt sĩ Bùi Văn Hòa.
3 Nguồn: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, NXB Đồng Nai, 1998. Có tài liệu ghi: 1978.